Chẳng rõ do sự ngây ngô của đám thanh niên non dại trong công trường hay một vận rủi bất ngờ giáng xuống họ mà nửa năm sau, khi công trình xây dựng bệnh viện đang bước vào giai đoạn đổ nền lầu thì một biến cố lớn đã xảy ra.

Đêm nọ cả khu vực công trường bỗng nhiên bị bao vây bởi lực lượng công an huyện Phú Tân tỉnh An Giang. Ông huyện đội cùng hai nhân viên cận vệ hùng hổ bước vào văn phòng công trường rồi ra lệnh cho ông Sáu Mận, thủ trưởng công trường, triệu tập toàn bộ anh em công nhân ra trước hội trường mang theo tất cả đồ tùy thân của họ.

Khi mọi người uể oải lếch thếch kéo ra hội trường, chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông huyện lạnh lùng thông báo: tất cả sẽ theo đoàn xe đang chờ bên ngoài ra bến đò về Châu Đốc. Ở đó, họ sẽ được “đào tạo quân sự” trước khi lên đường làm nhiệm vụ “nghĩa vụ quốc tế” tại Battambang bên đất Miên.

Quá bất ngờ nên Hải, thằng Khánh, và đám công nhân bị dồn lên một chiếc Molotova rồi chiếc xe rồ máy chạy thẳng ra cầu tàu ngoài chợ Hòa Hảo. Lúc này, con nước đã dâng cao nên việc xuống đò trở nên dễ dàng hơn. Chẳng bao lâu sau đoàn tàu gồm bốn chiếc đã rời bến nhắm thẳng hướng Châu Đốc.

Tờ mờ sáng đoàn tàu cập bến chợ Châu Đốc. Hải và đám công nhân lại bị lùa lên một trong những chiếc xe GMC đã chờ sẵn từ bao giờ. Sau đó đoàn xe khởi hành, hướng về quân trường Chi Lăng cũ ở Tịnh Biên. Tại đây họ bị cạo trọc đầu và trở thành những người “bộ đội” bất đắc dĩ.

 

Ba tháng quân trường trôi qua Hải đã hoàn thành khóa huấn luyện pháo binh. Nói là "huấn luyện" cho có chứ thực chất công việc chẳng khác gì lao công. Chuyển những quả pháo 105 ly vào nòng rồi thu dọn vỏ đạn. Những việc như vậy đâu cần phải đào tạo gì nhiều.

Rồi ngày xuất ngoại cũng đến. Ngày đó bọn tân binh của Hải bị đưa sang Kampuchea để làm "nghĩa vụ quốc tế." Sáng sớm hôm đó đoàn xe rời căn cứ Chi Lăng, men theo đường về Tịnh Biên, Nhà Bàng, băng qua cầu kênh Vĩnh Tế và đi vào lãnh thổ tỉnh Takeo của Kampuchea.

Đoàn xe đã đến thủ đô Nam Vang sau một giờ di chuyển. Mọi người được lệnh ăn cơm ngay trên xe, trong khi tài xế được thay ca để tránh kiệt sức trên chặng đường dài. Tiếp tục hành trình thêm bảy tiếng nữa thì đoàn xe đã đến Battambang. Luồn lách thêm một quãng nữa, cuối cùng cả đoàn cũng về đến căn cứ hỏa lực.

Tại đây, Hải và đồng đội phải trình diện đơn vị đã được sắp xếp từ trước. Thằng Khánh bị điều vào nhóm trinh sát, rồi sau đó Hải chẳng còn biết nó đã trôi dạt về đâu.

Chiến thuật của quân đội cộng sản đã tự phơi bày quan niệm của họ về giá trị mạng sống trên chiến trường. Trước khi đẩy quân vào một khu vực, họ ra lệnh cho pháo binh san bằng nơi đó trước, rồi ngay sau đó là những làn sóng bộ binh tràn lên. Đối với các sĩ quan và chính ủy, mạng sống của binh lính chẳng khác gì con số thống kê – chỉ là những quân cờ có thể bị hy sinh mà không mảy may do dự.

Thật nực cười. Họ luôn hô hào tinh thần "anh dũng xông lên," nhưng bản thân lại ung dung ngồi phía sau. Trước mỗi trận đánh, họ buộc các đơn vị phải viết "quyết tâm thư" – một cách khéo léo để đổ trách nhiệm lên đầu những kẻ sắp chết thay vì chính họ. Những lá thư ấy không phải lời thề quyết tử, mà chỉ là tấm vé một chiều vào cõi chết.

Sự phối hợp giữa các đơn vị gần như không tồn tại. Truyền tin luôn bị giới hạn. Chỉ có sĩ quan tiền sát viên mới được phép liên lạc với pháo đội trưởng, trong khi những nhiệm vụ nguy hiểm nhất lại luôn được “giao” cho những kẻ như Hải và những người chỉ được xem là lao công cho pháo binh. Họ chỉ là những con chốt thí trên bàn cờ trận liệt không hơn không kém.

Với người cộng sản thì trên chiến trường không có khái niệm tù binh. Thỏa ước Geneva là thỏa ước giữa các nước tư bản và không có giá trị gì với họ cả. Bởi thế nên bất kỳ ai bên đối phương còn sống, dù bị thương nặng hay nhẹ, đều nhận một "viên đạn ân huệ" từ các anh bộ đội để chắc chắn đối phương sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại mặt trận nữa.

Sáu tháng ở Battambang Hải đã nung nấu ý định trốn đến các trại tỵ nạn dọc theo biên giới Thái Lan nhưng vẫn chưa quyết định khi nào. Để chuẩn bị cho kế hoạch đầy rủi ro này, Hải cố gắng làm quen với mọi người trong doanh trại, thậm chí học vài câu tiếng Miên để lấy lòng dân bản xứ, hy vọng rằng khi thời điểm đến, họ sẽ giúp anh trốn thoát.

Thế nhưng, trước khi kịp thực hiện ý định, một buổi trưa trên đất Chùa Tháp, Hải bất ngờ bị gọi lên gặp tiểu đoàn trưởng. Người sĩ quan lôi ra một tập hồ sơ, nhìn Hải và nói:

“Vì quá bận rộn công tác, suýt nữa tôi quên rằng đồng chí đã nhận được một lá thư từ Bộ Ngoại giao ta, kèm theo một thư từ Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan. Họ mời đồng chí sang Mỹ để đoàn tụ với mẹ. Xin chúc mừng đồng chí.”

Hải sững sờ, chưa dám tin vào tai mình:

“Thưa đồng chí tiểu đoàn trưởng, nếu đồng chí nói giỡn thì chắc em không dám đâu.”

Tiểu đoàn trưởng chậm rãi rút hai phong thư từ tập hồ sơ và trao cho Hải, rồi nói tiếp:

“Đồng chí có hai lựa chọn: Một là hủy quốc tịch Mỹ, giữ quốc tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và được gửi đi học lớp sĩ quan pháo binh để tiếp tục phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Hai là hủy quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch Mỹ.”

Hải ngập ngừng vài phút, suy nghĩ về cuộc sống phía trước. Cuối cùng, anh ngẩng lên và trả lời dứt khoát:

“Thưa đồng chí tiểu đoàn trưởng, em đã xa mẹ quá lâu và luôn mong muốn được đoàn tụ với bà. Vì vậy, em chọn giữ quốc tịch Mỹ.”

Tiểu đoàn trưởng gật đầu, giọng nghiêm nghị:

“Quyết định này đồng nghĩa với việc đồng chí phải hoàn lại toàn bộ giấy tờ quân nhân. Từ bây giờ đồng chí chỉ được bảo vệ trong phạm vi tờ giấy đi đường mà tôi sẽ viết cho đồng chí. Mong đồng chí suy nghĩ kỹ.”

Hải lặng đi trong giây lát, nhưng trong đầu anh vang lên một suy nghĩ rõ ràng: "Chỉ có thằng khùng mới bỏ quốc tịch Mỹ. Đừng dụ dỗ ông con ạ." Không chần chừ thêm, Hải lấy ví ra, rút tờ chứng minh thư nhân dân làm ở Tịnh Biên và trao cho tiểu đoàn trưởng.

Ông ta thu hồi lại giấy tờ quân nhân của Hải và kéo ra một tờ lệnh đã được đánh máy sẵn, ký tên lên đó, rồi đếm 70 đồng đưa cho Hải.

“Cảm ơn đồng chí đã hy sinh một phần tuổi trẻ cho đất nước. Hãy dùng tờ giấy đi đường và số tiền nhỏ này để lo thủ tục đoàn tụ với mẹ đồng chí nhé.”

Sau đó, ông ta trả lại bộ quần áo thường dân mà Hải mặc trước khi nhập ngũ để nó thay. Khi Hải bước ra khỏi doanh trại, ông ta chỉ cho nó cách đón tàu về Phnom Penh rồi từ đó bắt xe về Takeo và Tịnh Biên.

Tuyến xe lửa từ Battambang đến Phnom Penh kéo dài bảy tiếng. Hải thức suốt quãng đường vì không có ai là người Việt trên chuyến tàu. Những người Khmer xung quanh nhìn anh với ánh mắt lạnh lùng không mấy thiện cảm. Hải hiểu rằng ở đây chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy hiểm.

Khi đến Phnom Penh trời đã khuya. Tại đây, Hải bị một đội lính của Heng Samrin chặn lại. Họ nghi ngờ Hải là lính đào ngũ và giải về một đồn quân đội Việt Nam. May mắn thay, tờ giấy đi đường đã giúp Hải chứng minh thân phận mình. Rồi Hải được phép nghỉ lại trong đồn một đêm trước khi tiếp tục hành trình.

Sáng hôm sau, Hải bắt xe buýt về Takeo. Sau một giờ ngồi xe cuối cùng nó đã đến nơi. Tại đây nó phải thuê một chiếc xe ôm để đi về phía kênh Vĩnh Tế. Sau khi xuất trình giấy đi đường tại trạm kiểm soát, đám lính kiểm soát quân sự đã cho phép nó qua cầu để đi về Nhà Bàng.

Từ Nhà Bàng Hải lại đón xe Daihatsu Hijet về Tịnh Biên. Rồi từ Tịnh Biên Hải tiếp tục đi xe đò dài về xa cảng miền Tây.

Hành trình trở về vẫn chưa kết thúc nhưng giấc mơ đoàn tụ với mẹ bên kia bờ đại dương đang trở thành hiện thực.

Create Your Own Website With Webador