Hải đã có dịp quan sát các nhân viên hỏa xa kết nối các toa xe lại với nhau và với đầu máy trong lúc chờ tàu đi Diêu Trì. Nó chăm chú theo dõi từng thao tác kỹ thuật và để ý thấy một toa xe chưa được kết nối ống dẫn hơi với toa phía trước khiến đầu máy không thể kéo đoàn tàu nổi.

Sự việc nhanh chóng được phát hiện và khắc phục. Khi các ống dẫn hơi từ mỗi toa được kết nối đúng cách với đầu máy thì đoàn tàu mới có thể hoạt động bình thường.

Hải mím môi suy nghĩ. Một ý tưởng bất chợt lóe lên trong đầu. Nó quyết định sẽ thử nghiệm điều gì đó... khi cơ hội cho phép. Và rồi giờ khởi hành đã điểm.

Các nhân viên hỏa xa lần lượt thổi những tràng tu huýt và cẩn thận kiểm tra từng toa tàu trước khi báo cáo tình trạng cho đầu máy. Không gian sân ga ngập trong những âm thanh quen thuộc, những tiếng bước chân vội vã, những tiếng xôn xao của hành khách, những lời dặn dò vội vã pha lẫn tiếng thở dài lo lắng. Tất cả đã hòa cùng những hồi còi dứt khoát để báo hiệu giờ khởi hành đã đến.

Bất chợt một hồi còi dài rít lên từ đầu máy, âm thanh sắc lạnh vang vọng khắp sân ga. Gần như cùng lúc hệ thống thắng hơi cũng được nhả ra đồng loạt, truyền đi một lực đẩy vô hình xuyên suốt cả đoàn tàu.

Chỉ một giây sau toa tàu chợt rung nhẹ. Rồi như một con thú khổng lồ vừa được đánh thức, đoàn tàu vươn mình chuyển bánh, chậm rãi lăn qua những thanh ray sắt và rời khỏi sân ga Nha Trang.

Phía sau, những ánh mắt lưu luyến dõi theo, những cuộc chia ly chưa kịp dứt, tất cả dần bị bỏ lại phía sau, nhạt nhòa theo làn khói tàu cuộn lên trong buổi sáng nhộn nhịp của thành phố biển.

Hải hỏi thăm và được biết rằng quãng đường đến Diêu Trì dài khoảng 300 cây số. Nếu không phải dừng lại tránh tàu khác đoàn tàu sẽ mất khoảng 28 giờ để hoàn thành hành trình. Nhưng nếu phải nhường đường, thời gian có thể kéo dài đến 36 giờ.

Đoàn tàu tiếp tục hành trình, len lỏi qua những cung đường núi hiểm trở, chui qua các đường hầm ở Ninh Hòa, Đèo Cả, rồi lần lượt dừng chân tại các nhà ga: Lương Sơn, Ninh Hòa, Hòa Huỳnh, Giả, Tu Bông, Đại Lãnh, Hảo Sơn, Đông Tác, Tuy Hòa, Hòa Đa, Chí Thạnh, La Hai, Phước Lãnh, Vân Canh, Tân Vinh, và cuối cùng là Diêu Trì.

Hải đứng dậy, lặng lẽ leo ra khỏi toa hàng. Lúc này màn đêm đã phủ trùm lấy đoàn tàu. Nó mon men đến đoạn nối giữa hai toa xe hồi hộp đợi đoàn tàu tiến gần nhà ga Diêu Trì.

Chờ đúng thời điểm, Hải nhanh tay ngắt điểm nối giữa ống hơi kết nối hai toa xe. Một tiếng “xòa” vang lên sắc lạnh trong màn đêm rồi hơi thoát ra ào ạt từ hai đầu ống bị tách rời. Không chần chừ, Hải nhanh chân trèo ngược vào toa hàng và trở lại đúng chỗ nó vừa rời đi vài phút trước đó.

Ngay lập tức đoàn tàu trở nên nặng nề bất thường. Đầu máy gắng sức kéo nhưng do mất áp lực hơi nên nó phát ra một hồi còi đứt quãng như một dấu hiệu của sự bất ổn đâu đây trong đoàn tàu.

Vài giây sau đoàn tàu buộc phải dừng lại đúng lúc nó đang băng ngang qua một đại lộ ở Diêu Trì. Nhân cơ hội này, các lái buôn lập tức hành động. Những bao tải, thùng hàng được ném xuống lòng đường thật nhanh chóng để tránh bị thu thuế khi vào ga. Dưới ánh đèn lờ mờ, bóng người tất bật khuân vác, truyền tay nhau từng kiện hàng, tranh thủ từng giây phút quý giá trước khi đoàn tàu tiếp tục lăn bánh.

Thí nghiệm đã thành công.

Chính từ đây Hải đã phát hiện ra một nghề mới: "Bứt ống hơi thuê." Công việc này đòi hỏi sự nhanh nhẹn và đôi mắt tinh tường để tránh bị phát hiện bởi bọn công an áp tải đoàn tàu. Mỗi phi vụ trót lọt đã đem cho Hải 100 đồng, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ.

Dân buôn gạo từ Nha Trang đặc biệt ưa chuộng dịch vụ ngầm này. Với sự giúp sức của Hải, họ đã trốn thuế hoàn toàn, thoải mái tuôn hàng ngay trên đường phố thay vì bị kiểm soát khi vào ga.

Thế nhưng thời hoàng kim của nghề bứt ống hơi đã không duy trì được lâu. Sau hơn bốn tháng công an bắt đầu đánh hơi được trò này. Các tổ tuần tra lưu động được thành lập, liên tục xuất hiện dọc tuyến đường sắt để ngăn chặn việc tuôn hàng này, và Hải đã bị mất mối. Nghề bứt ống hơi đã chính thức bị vô hiệu hóa.

Một lần, khi đoàn tàu phải dừng lại ở ga Giả vài giờ để tránh nhau, Hải tình cờ chứng kiến một cảnh tượng đầy bất công.

Một thằng Mỹ lai trạc 13, 14 tuổi chẳng khác gì Hải đang bị đám bán thuốc lá dạo đánh hội đồng ngay trong phòng đợi. Hải nhìn thấy thằng nhóc vùng vẫy tuyệt vọng, ánh mắt hoảng loạn, cố gắng chống cự nhưng bất lực trước những cú đấm, cú đá giáng xuống liên tiếp.

Một cơn bất nhẫn dâng lên trong lòng Hải. Không do dự, Hải bèn lao vào can thiệp. Nhưng không ngờ chẳng những không giải cứu được ai Hải lại trở thành mục tiêu tiếp theo. Tụi lập tức "tấp bi" xối xả vào Hải. Có điều lần này Hải không bỏ chạy. Cũng không sợ hãi.

Bản năng sinh tồn trỗi dậy. Hải chống trả quyết liệt, tung ra những đòn quyền cước sắc bén và dứt khoát không phải vì chủ đích mà do quán tính từ những miếng võ mà trước năm 1975 bố đã gửi Hải đi học.

Từng cú đánh, từng thế đá giờ đây không còn là những động tác tập luyện trên võ đường mà đã trở thành vũ khí thực sự được dùng để tự vệ trên đường phố khắc nghiệt.

Hải không hiểu từ khi nào mình trở nên chai lì và liều lĩnh trước những kẻ côn đồ như thế. Có lẽ cuộc sống lưu linh, lưu địa này đã dạy cậu một điều: Muốn tồn tại, phải biết tự đứng lên. Tụi đánh Hải mười phần, Hải đáp trả ít nhất cũng bảy phần.

Cuối cùng, cuộc bề hội đồng buộc phải chấm dứt khi du kích nhà ga xuất hiện để can thiệp. Thằng Mỹ lai kia thở hổn hển, mắt vẫn còn sưng vù, nhưng quay sang Hải cảm ơn rối rít. Nó giới thiệu tên là Bốn, rồi bất ngờ rủ Hải về nhà mình trong một xóm đạo gần nhà ga.

Tối hôm đó, anh và chị của Bốn từ ga Đại Lãnh về, theo đoàn tàu Hà Nội vào, rồi nhảy xuống sân ga Giả. Hai người này chẳng biết sao lại có cảm tình với Hải ngay từ lần gặp đầu tiên.

Họ tự giới thiệu: anh Tân và chị Thái.

Sau bữa cơm tối đạm bạc, anh Tân và chị Thái nói với Bốn rằng:

"Mày đưa thằng Hải ra chòi ruộng ngủ qua đêm đi. Muốn ngủ trong nhà thì phải đi báo cáo tổ dân phố, mà nó thì có giấy tờ tùy thân gì trong người đâu."

Hải lặng lẽ gật đầu rồi đi theo thằng Bốn ra cái chòi giữ lúa ngoài ruộng. Lại một đêm nữa trôi qua trong cuộc sống bụi đời của mình.

Hôm sau là Chủ nhật, và anh Tân đang ra chòi ruộng tìm Hải để rủ nó đi nhà thờ cùng mọi người trong gia đình.

Hải không có lý do để từ chối nên lặng lẽ đi theo họ dự lễ trưa tại một nhà thờ nhỏ trong xóm đạo. Không gian bên trong tĩnh lặng, trang nghiêm, khác hẳn với những ngày trôi dạt đầy bất định đã qua.

Sau khi tan lễ, thằng Bốn quay sang Hải, nói nhỏ:

"Anh chị tao đề nghị mày ở lại thêm vài ngày, rồi họ sẽ đưa mày về Biên Hòa giùm."

Hải ngập ngừng, rồi khẽ lắc đầu:

"Ở lại chơi vài ngày thì được. Nhưng về Biên Hòa... tao không muốn đâu."

Sau một tuần ở lại nhà thằng Bốn, Hải bắt đầu cảm nhận được sự bất an.

Một đêm nọ khoảng chín, mười giờ, bỗng có tiếng gõ cửa vang lên trong màn đêm tĩnh mịch. Một vài người đứng trước cửa, giọng nghiêm nghị, hỏi anh Tân về một "người lạ" đang trú trong nhà này.

Anh Tân bình tĩnh bước ra trả lời họ:

"Đây là thằng em họ của tôi, nó từ Biên Hòa tới thăm. Nó còn nhỏ, chưa đến tuổi làm giấy tờ nên không có gì để đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương."

Hải ngồi lặng bên trong, tim đập thình thịch, hiểu rằng mình đã bị để ý.

Chủ nhật tuần đó Hải ngõ ý từ biệt gia đình thằng Bốn, nói rằng sẽ rời đi ngay sau khi dự lễ cùng họ lần cuối.

Và rồi phút chia ly cũng đến.

Trưa Chủ nhật hôm đó Hải phóng lên một toa chở hàng của đoàn tàu chợ về Nha Trang, bỏ lại sau lưng những ngày tạm trú trong cái xóm đạo hiền hòa. Lần này Hải chọn nhảy tàu từ ghi (guide) phía tây của nhà ga  vì nghe nói chỗ đó ít người để ý nhưng cũng đầy rủi ro nếu chẳng may sẩy chân.

Hải liền rẽ trái từ nhà ga để vào đại lộ Gia Long, rồi quẹo phải vào đường Hoàng Diệu. Nó đi thêm một đoạn ngắn nữa rồi tiếp tục rẽ phải vào đường Yersin đi thẳng đến đường Nhà Thờ. Cứ như thế, bước chân vô định dẫn nó đi mãi.

Hải quẹo phải vào đường Độc Lập, rồi tiếp tục đi đến ngã tư Độc Lập và Trưng Nữ Vương. Đến đây Hải quẹo trái vào con đường quen thuộc để vào chợ Đầm.

Hải thầm khen trí nhớ của mình, đây mới chỉ là lần thứ hai nó đi bộ từ ga Nha Trang đến chợ Đầm, vậy mà mọi lối đi vẫn hiện lên rõ ràng trong tâm trí.

Giờ thì cái bụng đói cồn cào đã kéo Hải về với thực tại. ăn vội một ổ bánh mì cá mòi mua ở một xe bên vệ đường và một bịch trà đá, nhai nhanh để lấp đầy cơn đói rồi lại tiếp tục bước đi.

Từ chợ Đầm, Hải rẽ ngược ra đường Lê Lợi, rồi quẹo phải lên con đường Duy Tân quen thuộc.

Và rồi, như một thói quen cũ, cậu lại tìm ra biển.

Không còn nơi nào khác để đi, Hải đánh bạo tìm đến chị Quý chủ quán cà phê Hồn Hoang để xin được ngủ lại trong quán cùng với thằng Huy con trai chị.

Chị Quý đang lúi húi thu dọn hàng quán thì bỗng nghe thấy đâu đó một câu nói bằng tiếng Anh vang lên trong không gian vắng lặng.

Chị quay đầu lại, hướng về phía giọng nói và ngay lập tức thấy Hải đứng đó.

Chị ngạc nhiên hỏi:

“Ủa, em đã đi đâu mà lâu quá mới trở lại đây vậy, Hải?”

Hải mỉm cười nhạt, đáp lại bằng giọng nửa đùa nửa thật:

“Dạ, chào chị Quý. Như chị đã biết đó, em đi bụi đời mà. Màn trời chiếu đất là bạn của em, chị ạ.”

Chị Quý mời Hải ăn tối cùng với con trai chị, nhưng Hải khẽ lắc đầu từ chối.

“Em chỉ xin phép ngủ lại đây một đêm thôi, để thằng Huy đỡ sợ.”

Chị gật đầu đồng ý, rồi dặn Hải quay lại sau một giờ.

Tối hôm đó Hải đã ngủ lại quán cà phê Hồn Hoang.

Thằng Huy cũng là lai Mỹ và có một sở thích đặc biệt: nó mê nghe chuyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine và các cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer trong tác phẩm của Mark Twain.

Hải mới 14 tuổi, tuy gọi mẹ của Huy bằng "chị", nhưng với thằng nhóc này, cậu muốn được nó gọi mình bằng "anh" là đủ rồi.

Trước khi chìm vào giấc ngủ, Huy bỗng nắm chặt cổ tay Hải, thì thầm một lời đề nghị:

"Anh Hải, ở lại với em nha... Đừng đi đâu hết."

Hải cảm nhận được sự lo lắng trong giọng nói của thằng bé.

Bàn tay nhỏ của Huy siết chặt lấy cổ tay Hải, như thể sợ rằng nếu buông ra, Hải sẽ biến mất giữa dòng đời lang bạt. Tự nhiên Hải chợt nhớ thằng Thái em cùng cha khác mẹ với mình ở Thong Dong

Chẳng biết đã mấy giờ rồi. Chỉ biết rằng vầng dương đã lố dạng ngoài khơi bãi biển Nha Trang  đang tô vẽ lên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Những tia nắng bình minh yếu ớt len lỏi qua vách quán đã nhẹ nhàng đánh thức Hải dậy sau một đêm dài mệt mỏi. Nha Trang lúc này đang rộn ràng chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh năm 1978. Nhưng riêng Hải, cậu bỗng chạnh lòng khi nghĩ đến bố, chị Ngọc, và anh Tuấn.

"Mình đã trôi dạt ra miền Trung được sáu tháng rồi..."

Bất giác, một ý nghĩ dâng lên trong lòng:

"Chắc phải quay về thôi. Không biết bây giờ bố và mọi người ra sao..."

Hải vẫn còn đang mải mê suy nghĩ thì bất chợt tiếng động khe khẽ từ cửa quán kéo nó về thực tại. Hai mẹ con chị Quý rón rén mở cửa bước vào, bắt đầu chuẩn bị cho một ngày mới.

Thằng Huy vẫn còn ngủ rất ngon lành, nhưng Hải thì lòm còm ngồi dậy bước ra khỏi màn rồi kính cẩn khoanh tay chào chị Quý và mẹ chị.

Sau khi thi lễ xong, Hải chào từ biệt rồi lặng lẽ bước đi.

Nhưng chị Quý gọi nó lại, rồi dúi ba tờ “bác Hồ ngó nghiêng” vào túi nó, giọng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:

“You go home now, kid. You don’t belong here. Go, go…”

Đoạn chị chỉ tay về phía trước, như một cử chỉ tiễn khách.

Hải lặng người. Quá cảm động, nó chỉ biết đáp lại trong nỗi xúc động nghẹn ngào:

“Thanks so much, sister. Hope you and Tom will reunite soon… Goodbye!”

Riêng mẹ của chị Quý, bà chỉ đứng lặng im chứng kiến cuộc đối thoại bằng tiếng Anh giữa Hải và chị Quý.

Xong bà buông một tiếng thở dài, rồi lẩm bẩm:

“Thiệt là nông nỗi. Con cái nhà ai, sao không ở nhà mà lại trôi dạt về đây?”

Và Hải lại đi.

Nó bước về phía chợ Đầm để tìm một chỗ ăn qua loa lót dạ rồi hướng thẳng về ga Nha Trang, bắt đầu hành trình tìm đường về nhà.