
Tối nay chuyến tàu chợ Nha Trang – Sài Gòn sẽ khởi hành lúc 7 giờ. Hải quyết định không đi tàu lậu nữa mà đến quầy vé mua một vé tàu thường, ghế cứng về Sài Gòn. Ngành giao thông hỏa xa lúc này đông khách. Vé in ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Cũng may Hải đã đến sớm nên mua được vé. Nếu không, có lẽ nó lại phải leo tàu từ phía ngoài nhà ga một phen nữa.
Trong lúc chờ tàu Hải quyết định chợp mắt vài tiếng ngay tại nhà ga Nha Trang. Nó đã tìm được một băng ghế trống giữa phòng đợi. May mắn thay, đúng lúc buồn ngủ lại có chỗ nghỉ. Nhưng dù cố gắng thế nào, những ký ức suốt sáu tháng qua vẫn không ngừng chập chờn trong tâm trí. Gia đình ông Tám Trực ở Cai Lậy, chị Quý cùng thằng nhóc Huy ở bãi biển Nha Trang, thằng Bốn, anh Tân, chị Thái, và cái xóm đạo nhỏ ở làng Vạn Giã. Tất cả những kỷ niệm đó rồi đây sẽ dần phai mờ trong ký ức, sẽ bị cuốn đi bởi dòng thời gian trong vòng xoáy của cuộc đời.
Bất giác một nỗi buồn khó tả dâng lên trong lòng Hải. Nó chợt nhận ra rằng cuộc đời không đơn giản như trước nữa. Những trải nghiệm đã đem đến cho nó thêm những góc nhìn mới về sự phức tạp của cuộc đời. Miên man trong dòng suy nghĩ ấy, Hải thiếp đi lúc nào không hay.
Tiếng loa phóng thanh vang lên trong nhà ga nhắc nhở hành khách chuẩn bị xếp hàng và cầm sẵn vé trên tay để lên tàu. Hải liền đứng dậy, hòa vào dòng người tiến ra toa xe.
Mười lăm phút sau, tất cả hành khách đã có mặt trên sân ga rồi ai nấy đều nhanh chóng tìm cho mình một chỗ ngồi trong toa khách. Hải may mắn chọn được một ghế gần cửa sổ. Chỗ ngồi khá thoải mái này giúp Hải dễ dàng quan sát khung cảnh bên ngoài.
Đoàn tàu cuối cùng cũng về đến ga Biên Hòa sau ba ngày xuôi nam. Đứng giữa sân ga Hải chợt nhớ lại nơi này, chỗ mà ngày nào nó từng lặn lội tìm anh Tuấn. Khi đó Hải đã nghĩ đời mình khổ đến cùng cực.
Nó khẽ thở dài rồi chậm rãi bước về hướng trường tiểu học Lân Thành, men theo con đường tắt dẫn đến hãng giấy. Hôm nay là thứ Năm, có lẽ chị Ngọc vẫn đang ở nhà.
Cuối cùng Hải cũng đứng trước cửa nhà của bố nó. Rồi nó gõ cửa, tiếng ổ khóa lách cách vang lên, cánh cửa từ từ hé mở. Anh Tuấn thò đầu ra để nhìn xem ai đến. Vừa nhận ra Hải thì gương mặt anh rạng rỡ hẳn, ánh mắt lộ rõ niềm vui mừng khôn xiết.
Anh Tuấn chia sẻ về những thăng trầm đã trải qua kể từ ngày trốn khỏi trang trại bà Thu. Cuối cùng, vì khao khát được tiếp tục học hành, anh quyết định trở về và kể lại với bố tất cả những gì đã xảy ra từ khi mới dọn xuống trang trại cho đến nay. Đồng thời anh cũng tha thiết xin bố cho phép nhập hộ khẩu ở Sài Gòn để có cơ hội tiếp tục con đường học vấn.
Còn chị Ngọc đã tốt nghiệp trung học và từng suýt đậu vào Đại học Y Dược Sài Gòn. "Suýt" vì điểm thi của chị hoàn toàn đạt yêu cầu nhưng lý lịch lại là một rào cản không thể vượt qua vì trong lý lịch đã bị phê rằng bố từng là giám đốc hãng giấy dưới chế độ “ngụy quyền Sài Gòn,” và đã từng “ăn trên ngồi trốc.” Còn mẹ lại là người Mỹ, chưa kể các chú, bác trong dòng họ đều là sĩ quan cao cấp trong "quân đội ngụy." Vì vậy, theo chính sách của Đảng và Nhà nước, Đại học Y Dược chỉ ưu tiên cho con em gia đình có công với cách mạng hoặc gia đình không có "nợ máu với nhân dân."
Trước thực tế ấy, chị Ngọc chỉ còn một lựa chọn là đăng ký vào Trường Cao đẳng Y tế tại Bệnh viện Từ Dũ để theo học ngành y tá hộ sinh.
Mục đích của cuộc hồi hương là mang lúa gạo từ nông trại bà Thu về giúp đỡ đại gia đình bên nội. Thế nhưng, đã qua mấy vụ mùa mà nhà bà nội vẫn chưa nhận được dù chỉ một hạt gạo.
Nguyên nhân chính là vì bà Thu đã thay đổi hướng làm ăn. Bà ta bán hết mẫu ruộng cùng cả chiếc máy xới để lấy vốn lao vào buôn bán. Nhờ quen biết với nhiều người, từ chủ tịch này đến trưởng đồn nọ nên bà ta đã khéo léo luồn lách qua các trạm kiểm soát, giúp mọi thương vụ diễn ra trót lọt. Nhờ đó bà không chỉ kiếm được nhiều tiền mà còn ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Trong khi đó bé Liễu, em Thái, và bé Út vẫn sống cùng ông ngoại và theo học tại các trường quanh xã Long Hậu dưới Sa Đéc. Cuộc sống của các em dường như vẫn hồn nhiên như ngày nào dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Bố bây giờ cũng đã quen một người phụ nữ mà chị Ngọc gọi bằng “mẹ.” Mà gọi là mẹ cũng đúng vì bà là người có tấm lòng cao thượng. Bà đã cưu mang chị Ngọc, tạo điều kiện cho chị có chỗ ở trong lúc theo học tại Bệnh viện Từ Dũ, và luôn đối xử với bố như một người vợ dù chưa từng làm đám cưới. Không chỉ vậy, bà còn chăm sóc bà nội chu đáo. Điều này khiến bố rất hài lòng.
Chỉ có bố và chị Ngọc được ở lại Sài Gòn trong nhà "mẹ." Còn anh Tuấn và Hải thì sống ở Biên Hòa và học tập tại đó. Anh Tuấn theo học trường Ngô Quyền, trong khi Hải vừa thi kiểm tra tại Ty Giáo dục Biên Hòa để xác định học lực. Cuối cùng, Hải bị xếp vào lớp bảy thay vì lớp chín như các bạn cùng lứa và được đi học tại trường Khiết Tâm (nay là Trần Hưng Đạo).
Thời gian này bố vô cùng vất vả để xoay sở chuyện ăn uống và lương thực cho gia đình ở Biên Hòa. Mọi thứ đều bị “phân phối” theo tiêu chuẩn mà phần dành cho những người thuộc diện “ăn trên ngồi trốc” như bố thì chẳng được bao nhiêu. Vì thế, Hải và anh Tuấn thường xuyên đối mặt với những cơn đói triền miên.
Người ta vẫn nói: “Có thực mới vực được đạo.” Quả đúng như vậy. Hải nhận ra rằng đám Việt Cộng trong ban giám đốc mới ai nấy đều ăn mặc bảnh bao, đi xe gắn máy, quần jeans, áo pull, mang giày Sabot, hút thuốc Capstan đầu lọc, trông rất hợp thời trang.
Trong số đó, ông Hồi, trưởng phòng bảo vệ hãng giấy đã lọt vào tầm ngắm của Hải. Ông ta sở hữu rất nhiều quần áo và đồ đạc xịn, phần lớn mua lại từ những người có thân nhân ở nước ngoài gửi về sau khi vượt biên. Ông sống tận lầu bốn của tòa nhà nơi Hải từng ở trước 1975.
Hải quyết định dành thời gian nghiên cứu và lên một kế hoạch hành động. Và rồi nó đã “nhập nha” thành công, lặng lẽ “thăm viếng” cái tủ được khóa rất kỹ của ông Hồi. Bên trong Hải thấy ba cọc tiền mới cứng toàn giấy bạc “bác Hồ ngó ngay.” Không chần chừ, nó vơ ngay cả ba cọc tiền cùng một chiếc đồng hồ Rado, một Citizen, một Seiko 5 nam, và một Seiko 5 nữ.
Trước khi rời đi, Hải xé một tờ giấy từ cuốn sổ tay trên bàn, viết nguệch ngoạc bằng chữ in:
“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời cộng sản mà thương dân lành.”
Sau đó nó đặt tờ giấy ngay ngăn tủ chứa tiền, khóa cửa lại như chưa có gì xảy ra rồi rút êm xuống phía sau tòa nhà, lẩn vào màn đêm dưới những hàng cây che chở.
Đêm đó Hải chia cho anh Tuấn một cọc tiền nhưng dặn anh phải cẩn thận tuyệt đối. Anh Tuấn nhát gan, ban đầu không dám nhận. Hải đành trấn an: nếu không muốn giữ bên người, em có thể giấu cho anh ở chỗ “bí mật” bên ngoài cái miếu dưới gốc cây đa, nơi anh vẫn đến thắp nhang mỗi ngày. Cứ chờ cho mọi chuyện êm xuôi rồi lấy cũng chưa muộn.
Về phần Hải, chỉ sau vài ngày, cậu đã khéo léo “đẩy” được những chiến lợi phẩm ra chợ trời và thu về một khoản tiền khá đậm.
Dù trong tay đã có khá nhiều tiền, nhưng Hải và anh Tuấn vẫn phải giả vờ sống trong cảnh cơ cực, thiếu thốn suốt cả tuần lễ, khi khu cư xá bị điều tra vì vụ “án” do “bọn phản động” gây ra. Họ đặt tên cho thủ phạm là một tên phản động với bí danh 'Đại Tá West.'
Thời đó, chính quyền đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ biến động chính trị nào. Những vụ bắt bớ và tử hình các phần tử chống đối diễn ra không ngừng, từ vụ nhà thờ Vinh Sơn, vụ FULRO nổi loạn trên cao nguyên, đến vụ nổ ở hồ Con Rùa ngay giữa lòng Sài Gòn. Vì thế, mọi hành động của Hải và anh Tuấn đều bị soi xét kỹ lưỡng không chỉ bởi chính quyền mà còn bởi những cặp mắt cú vọ xung quanh. Thậm chí đến chuyện ăn uống kham khổ của anh em Hải cũng là một phần trong sự kiểm soát vô hình, một sự khốn nạn mà họ cố tình đẩy anh em Hải vào.
Nếu không sống cơ cực như họ đã sắp đặt chẳng khác nào tự tố giác bản thân. Thôi kệ, khốn nạn giả một chút cũng chẳng sao.
Niên khóa 1979 trôi qua khá êm đẹp đối với anh Tuấn. Riêng Hải, nó tiếp thu tốt hầu hết các môn học ngoại trừ môn chính trị.
Hải thường cùng vài đứa bạn, nhất là những đứa có cha đang bị học tập cải tạo, trốn tiết chính trị để kéo nhau ra quán chị Bảy gần trường thưởng thức những ly “cà phê kho” đậm đặc và nghe nhạc disco. Lúc này Hải đã 15 tuổi và bắt đầu lọt vào tầm ngắm của công an địa phương, nhất là khi nhu cầu tuyển quân cho chiến trường biên giới Tây Nam và phía Bắc ngày càng cao.
Dần dần Hải cũng chẳng còn thiết tha gì với chuyện học hành nữa. Đột nhiên nó nhớ đến ông Tám Trực ở Cai Lậy. Lòng nó chợt chạnh lại và muốn ghé thăm ông một chuyến, đồng thời cũng là cơ hội để rời khỏi Biên Hòa một thời gian.
Anh Tuấn ra sức can ngăn, nhưng cuối cùng, Hải vẫn quyết định đi. Một cuộc phiêu lưu mới lại mở ra trước mắt nó, chỉ khác lần này Hải đã chuẩn bị chu đáo hơn với một khoản tiền khá rủng rỉnh trong túi.
Mùa hè lại về với Biên Hòa. Dọc theo những con đường, những hàng cây điệp, bông gòn, me tây tỏa bóng mát, lặng lẽ lắng nghe bản giao hưởng rộn ràng của những chú ve sầu. Tiếng ve réo rắt như khúc nhạc tiễn đưa, báo hiệu mùa chia tay sắp đến với lũ học trò ngây thơ.
Ngày bãi trường năm 1979 cũng là ngày Hải một lần nữa leo lên chuyến tàu Biên Hòa – Sài Gòn. Nó đã để lại sau lưng anh Tuấn của nó và đám bạn thân thương mà nó vừa quen trong suốt năm học qua. Giờ đây một mùa hè mới đang mở ra và mang theo những bước chân phiêu bạt.
Trước khi đoàn tàu đến ga Sài Gòn Hải đã nhanh chóng nhảy xuống ở ngã sáu rồi cuốc bộ ra đường Phạm Hồng Thái và tiếp tục đi thẳng đến chợ Bến Thành. Đến nơi, nó băng xéo qua công viên có tượng ông Trần Nguyên Hãn và cô Quách Thị Trang, rồi tiến về đại lộ Hàm Nghi để bắt chuyến xe buýt Sài Gòn – Phú Lâm – Xa Cảng Miền Tây.
Khi đến bến xe, quầy vé xe đò tuyến Sài Gòn – Mỹ Thuận cũng vừa mở cửa. Hải mua ngay một vé rồi bước ra khu vực đậu xe, tìm cho mình một chỗ ngồi. Lần này nó phải ngồi ở băng ghế cuối sát cửa lên xuống. Đây cũng là chuyến xe cuối trong ngày nên xe chật kín hành khách và hàng hóa chất đầy cả trên mui.
Xe bắt đầu lăn bánh khoảng 4 giờ rưỡi chiều. Chuyến xe đưa Hải đi qua ngã ba An Lạc, Bình Chánh, cầu Bến Lức, Tân An, Long An, rồi ngã ba Trung Lương, Cái Bè, và cuối cùng là Cai Lậy. Đến đây Hải ra hiệu cho anh lơ xe dừng lại rồi nhanh chóng bước xuống, đi thẳng vào chợ Cai Lậy. Nó ghé vào quán cô Bảy, chị ruột của ông Tám Trực, và xin ngủ nhờ qua đêm.
Cô Bảy mừng rỡ khi gặp lại Hải. Bà bảo cứ ở đây ít hôm rồi thằng Khánh, con trai ông Tám sẽ đưa ghe ra đón cậu vào xã.
Chỉ một ngày sau, thằng Khánh lái chiếc tát rán ra chợ Cai Lậy để chở dầu Diesel về nhà máy xay lúa của cha nó. Hải phụ nó chuyển hai thùng phuy dầu xuống ghe rồi theo nó về nhà máy.
Tối hôm đó Hải đã gặp lại ông Tám và cùng ăn cơm với cả gia đình. Ông Tám nhìn Hải một lúc rồi gật gù bảo rằng nó trông chững chạc hơn trước nhiều. Cả nhà quây quần bên mâm cơm tuy đơn sơ nhưng ấm cúng.
Bỗng ông Tám thở dài rồi nói:
“Ngày mai, thằng Khánh phải trốn nghĩa vụ quân sự. Nó sẽ xuống làng Hòa Hảo ở tận miệt Long Xuyên, Chắc Cà Đao để tránh đám công an xã. Mày có muốn nhập bọn với nó không?”
Hải suy nghĩ một lúc rồi gật đầu đồng ý.
Thế là ngay trong đêm ông Tám đưa Hải và thằng Khánh ngược ra nhà cô Bảy ở chợ Cai Lậy để sáng hôm sau cả hai kịp đón xe đi Long Xuyên.
Sáng sớm hôm sau, Hải và thằng Khánh lên chuyến xe “than” đi Mỹ Thuận. Đến nơi bọn nó tiếp tục đi bộ qua phà. Sang bờ bên phía Vĩnh Long cả hai leo lên xe đò ngắn “Austin” để đi tiếp về bến xe Sa Đéc. Tại đây bọn nó phải mua vé tuyến Sa Đéc – Bắc Vàm Cống để tiếp tục hành trình.
Cuối cùng, khoảng 2 giờ trưa cả hai cũng đến được bắc Vàm Cống. Sau khi qua phà, tụi nó buộc phải đi bộ về Long Xuyên vì chẳng còn chuyến xe nào giờ này nữa.
Vừa đi thằng Khánh vừa càu nhàu không ngớt. Sống sung sướng quen rồi, giờ phải lội bộ dưới trời nắng chang chang làm nó tức rồi chửi ỏm tỏi. Đúng là nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột!
Do quãng đường từ Vàm Cống đến Long Xuyên không quá xa nên khoảng 3 giờ rưỡi chiều bọn Hải đã đặt chân đến thị xã. Sau khi ăn uống xong cả hai hỏi đường về Hòa Hảo và được biết rằng phải đi bằng đò sông. Chuyến đò cuối cùng sẽ rời bến lúc 6 giờ chiều, và giờ này con đò đang neo dưới bến đợi khách.
Hải và thằng Khánh men theo bờ sông, tìm kiếm chuyến đò và nhanh chóng phát hiện một chiếc đò lớn, bên trong gắn một đầu máy bạc sáng bóng của hãng "Ray Marine." Sau khi trả tiền lộ phí cho chủ đò, cả hai xuống thuyền, tìm một chỗ ngồi thoải mái.
Đúng giờ, con đò rời bến, bắt đầu hành trình dài bốn tiếng từ Long Xuyên đến Hòa Hảo. Chiều muộn trên sông Hậu thật mát mẻ và yên bình. Mặt trời dần khuất sau chân trời, để lại ánh hoàng hôn rực rỡ trước khi bóng đêm buông xuống, phủ lên dòng sông một màu tĩnh lặng.
Cuối cùng con đò cũng cập bến chợ Hòa Hảo. Hải và thằng Khánh uể oải rời thuyền, bước lên cầu tàu, cảm nhận hơi sương đêm lành lạnh. Tối hôm đó phải vất vả lắm thằng Khánh mới tìm được nhà ông Ba Rằng để tá túc. Nhờ ông, cả hai có cơ hội vào công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa Phú Tân vừa làm công quả vừa giúp thằng Khánh trốn nghĩa vụ quân sự.
Create Your Own Website With Webador