
Biên Hòa tháng Tư năm 1975 càng lúc càng chìm sâu trong hỗn loạn.
Tin tức về chiến sự dồn dập lan truyền từng đợt như những cơn sóng dữ cuốn phăng đi sự yên bình vốn có. Mọi người hoang mang, lo sợ, bấu víu vào chút hy vọng mong manh rằng chiến tranh vẫn còn xa. Nhưng thực tế phũ phàng hơn họ tưởng, cuộc chiến đang tràn tới nhanh hơn, dữ dội hơn, và không còn lối thoát.
Chiến tranh không chỉ là tiếng súng hay bom đạn, mà còn là nỗi hoang mang bủa vây từng gia đình, từng con phố. Nó ập đến như một cơn lốc tàn khốc, quét sạch những ngày tháng yên bình, cuốn trôi bao giấc mơ và niềm tin, để lại một thực tại ngột ngạt, u ám. Những con đường quen thuộc giờ đây rải rác bóng người vội vã, những ánh mắt thất thần, những tiếng thì thầm lo sợ về một ngày mai bất định.
Giữa cơn hỗn loạn ấy, ông Hảo, bố của Hải, vẫn kiên quyết ở lại văn phòng. Ông là trụ cột gia đình, nhưng hơn thế nữa, ông còn gắn bó đậm đà với công việc và những con người đã đồng hành cùng mình suốt bao năm qua. Vì thế, bất chấp lời khuyên can đầy lo lắng của vợ con, ông chọn ở lại trụ sở cùng những nhân viên trung thành quyết tâm bảo vệ hãng giấy nơi không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là một phần cuộc đời ông.
Trong thời khắc ấy, ông hiểu rằng có những thứ không thể buông bỏ, dù trước mắt là giông bão đang ập đến.
Bên ngoài, tiếng xe tải, tiếng chân người hấp tấp hòa lẫn vào bầu không khí ngột ngạt của buổi chiều tháng Tư. Ai ai cũng đang cố tìm cho mình một con đường để rời đi. Nhưng với ông Hảo, con đường của ông là ở lại, vì không còn lựa chọn nào khác.
Tại nhà riêng, bà Thu, vợ ông Hảo, đã chuẩn bị sẵn ba lô cá nhân cho chị Ngọc, anh Tuấn và Hải. Trong khi phân phát, bà dặn dò với giọng điềm tĩnh nhưng chất chứa lo âu:
"Dân Biên Hòa đang di tản về Sài Gòn. Tao với con Liễu, thằng Thái và con út sẽ đi chung với các anh chị giúp việc. Bay muốn đi chung thì đi, hay ở lại chờ bố bay thì tùy ý."
Không chần chừ, chị Ngọc đáp ngay, giọng dứt khoát:
"Dạ thưa dì, ba chị em chúng con xin đi cùng dì và đoàn giúp việc ạ."
Thế là cả nhóm rời khỏi khu chung cư hãng giấy, hòa vào dòng người di tản cuồn cuộn như một con rắn khổng lồ, uốn lượn về Sài Gòn, giữa tiếng bom rơi, đạn nổ dội vang từ nhiều hướng.
Sau ba ngày cuốc bộ đầy mệt nhọc, cuối cùng nhóm bà Thu cùng chị Ngọc, anh Tuấn và Hải cũng đã đến được khu cư xá sĩ quan Chí Hòa ở quận 10, Sài Gòn. Tại đây họ tạm trú cùng đại gia đình của các bác và bà nội giữa cảnh loạn ly chưa từng thấy này.
Cả nhà hồi hộp chờ đợi ông Hảo trở về để bàn chuyện đi miền Tây. Nghe nói các bác của Hải sẽ cùng tướng Nam củng cố lực lượng quân đội để tiếp tục cuộc chiến chống cộng sản dưới đó.
Cuối cùng, ông Hảo cũng trở về. Sau khi khóa cổng và xe cẩn thận, ông bước vào nhà, cài chốt cửa rồi nghiêm giọng gọi chị Ngọc, anh Tuấn và Hải ra dặn dò.
Từ trong cặp táp, ông rút ra ba tấm vé khứ hồi của hãng Air France đi Hawaii, trao cho từng đứa rồi nói:
'Mẹ của các con đã gửi vé để đưa các con sang Hawaii với bà ấy. Mau sửa soạn nhanh gọn, bố sẽ đưa các con ra Tân Sơn Nhất ngay lập tức để kịp chuyến bay.'
Chị Ngọc nhìn chằm chằm vào tấm vé trên tay, rồi bất ngờ dứt khoát trả lời:
'Con không muốn đi.'
Nói vừa dứt lời, chị đưa tay lên rồi mạnh mẽ xé toạc tấm vé trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người xung quanh. Tiếng giấy rách vang lên, như một sự đoạn tuyệt, một quyết định không thể đảo ngược.
Chị không cần lời giải thích thêm nào nữa. Chậm rãi nhưng dứt khoát, chị trao lại quyển sổ thông hành vừa được cấp từ tòa đại sứ Mỹ vào tay ông Hảo. Một hành động nhỏ, nhưng đủ để nói lên tất cả.
Chị quay sang anh Tuấn và Hải. Không cần lời nhắc, họ đã hiểu. Nhìn nhau trong giây lát, cả hai lặng lẽ giơ tay xé vụn những tấm vé còn lại, để những mảnh giấy bay lả tả trong không khí như những cánh chim lạc lối. Rồi với đôi bàn tay trĩu nặng, họ đặt những quyển sổ thông hành vào tay cha mình.
Một quyết định vừa được đưa ra, một con đường đã chọn. Không ai quay đầu nhìn lại.
Trong khoảnh khắc ấy, số phận của họ đã được định đoạt. Một quyết định bồng bột, một hành động đầy cảm tính, và cũng là cánh cửa khép lại con đường thoát thân duy nhất, mở ra một tương lai mịt mờ với những hệ lụy không thể lường trước.
Sài Gòn, những ngày cuối tháng Tư năm 1975, cũng hỗn loạn không kém gì Biên Hòa.
Không khí bất an bao trùm lên từng con phố, từng mái nhà. Hải bước đi giữa thành phố đang hấp hối, nhìn thấy những bộ quân phục của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị vứt la liệt trên vỉa hè, dưới lòng đường, trên những chiếc xe bỏ hoang. Có những bộ quân phục vẫn còn nguyên vẹn, có những bộ rách nát, vương đầy bùn đất. Tất cả như những chứng tích của một thời đại sắp kết thúc.
Tiếng súng vẫn vang rền khắp nơi nhưng đó không phải là tiếng súng của chiến trận mà là tiếng súng hỗn loạn của một thành phố không còn luật lệ. Vũ khí quân đội đã rơi vào tay những băng nhóm vô danh, biến những con đường quen thuộc thành bãi chiến trường nhỏ, nơi kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, nơi chẳng còn ai kiểm soát được điều gì nữa.
Trộm cướp hoành hành ngay giữa ban ngày. Chẳng còn cảnh sát, chẳng còn chính quyền, chẳng còn bất kỳ ai giữ gìn an ninh trật tự. Thành phố từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" giờ đây như một con tàu mất lái, trôi dạt giữa cơn bão mà không biết sẽ dừng lại nơi đâu. Sài Gòn lúc này không còn là một đô thị phồn hoa mà chỉ còn là một khoảng không vô định. Mọi trật tự cũ đã sụp đổ và một trật tự mới chưa kịp hình thành.
Rồi cái ngày định mệnh ấy cũng đến, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tiếng loa vang lên trên khắp các con đường, những chiếc xe tăng gầm rú tiến vào trung tâm thành phố. Lá cờ vàng ba sọc đỏ bị kéo xuống, thay thế bằng cờ xanh, đỏ với một ngôi sao vàng chính giữa. Người người đổ ra đường, có kẻ vui mừng, có kẻ hoang mang, có kẻ lặng lẽ rời đi không một lời từ biệt.
Cuộc chiến đã chính thức khép lại nhưng nó không mang theo tất cả. Một câu hỏi lớn vẫn treo lơ lửng trong tâm trí mỗi người:
"Điều gì sẽ xảy ra trong những năm tháng kế tiếp?"
Không ai có câu trả lời. Chỉ biết rằng ngay lúc này những người thuộc lực lượng cách mạng ba mươi đang phát loa phóng thanh khắp các ngõ ngách trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa. Họ ra lệnh triệu tập mọi người đến sân vận động, nhấn mạnh rằng ai đến phải đeo băng đỏ ở vai trái.
Dân trong cư xá không ai dám thắc mắc hay khiếu nại. Tất cả răm rắp nghe lệnh vì họ hiểu rằng thời cuộc đã đổi thay, và giờ đây số phận của họ đang nằm trong tay những kẻ chiến thắng này.
Tại sân vận động, một ông cán bộ Việt Cộng đứng giữa sân với chiếc loa phóng thanh trên tay. Ông ta bảo mọi người ngồi xuống, rồi trịnh trọng đọc lệnh đổi tên cư xá sĩ quan Chí Hòa thành cư xá Nguyễn Văn Trỗi theo quyết định của Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định mà đại diện là Thượng tướng Việt Cộng Trần Văn Trà.
Sau đó ông ta bắt đầu chiêu an rồi khuyên nhủ:
"Mọi người ai ở đâu thì cứ ở đó."
Và ông ta nói tiếp:
“Nếu ai muốn hồi hương về nguyên quán thì cứ tự nhiên, vì miền Nam bây giờ đã được hoàn toàn giải phóng.”
Đoạn ông ta ra lệnh giải tán hết mọi người.
Ông Hảo đã đưa gia đình trở lại khu cư xá công nhân của hãng giấy tại Biên Hòa giữa tháng Năm của năm 1975.
Cuộc tiếp thu hãng giấy chính thức diễn ra cuối tháng Sáu cùng năm. Ngày đó ngôi vị giám đốc của ông Hảo đã bị thay thế bởi một ban giám đốc mới, đứng đầu là ông Nguyễn Thanh Sơn, một cán bộ kháng chiến vừa từ trong bưng ra.
Tất cả các anh chị giúp việc trước đây đã giải tán, mọi người đã trở về nguyên quán của họ. Giờ đây bà Thu phải tự tay lo chuyện bếp núc, chăm sóc gia đình, đồng thời cũng để tránh đi sự soi mói của hàng xóm.
Mọi trường học vẫn đang trong quá trình tiếp thu nên chị Ngọc, anh Tuấn, Hải, bé Liễu, bé Thái, và bé út đều phải tạm nghỉ, chờ đợi một năm học mới.
Có một điều khác thường mà Hải nhanh chóng nhận ra là bữa ăn trong gia đình đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, mâm cơm lúc nào cũng có đủ món canh, món xào, chiên, và kho. Nhưng giờ đây, thức ăn ngày càng ít ỏi. Nhiều hôm cơm không đủ no, mọi người phải tập quen dần với cảnh thiếu thốn như một điều tất yếu của xã hội mới.
Cuối cùng rồi năm học mới cũng đến. Hải nhập học tại một trường tiểu học mà chế độ mới gọi là trường phổ thông cấp 1 gần nhà và phải theo hệ thống giáo dục mới.
Một ngày nọ bỗng đâu ủy ban nhân dân phường cử người đến nhà Hải và yêu cầu gặp ông Hảo. Tuy gia đình đã tiếp đón họ thật trân trọng nhưng trong lòng ai cũng thấp thõm lo lắng.
Không ai biết họ đã nói gì với ông Hảo, nhưng khi cuộc gặp kết thúc khuôn mặt ông vốn đã gày gò, hốc hác từ trước thì nay lại càng hiện rõ nét u buồn sầu não hơn.
Tối hôm đó, ông Hảo thông báo với cả nhà:
"Ngày mai, bố phải đi học tập cải tạo ở trại Suối Máu vì bố từng là giám đốc của hãng giấy này. Mọi người trong nhà hãy cố gắng cưu mang và đùm bọc lẫn nhau. Chắc bố sẽ về trong nay mai thôi."
Lời dặn dò tuy đơn giản nhưng nỗi lo lắng không nói thành lời. Mọi người đều hiểu rằng "nay mai" có thể sẽ là một khoảng thời gian rất dài.
Thực phẩm trong gia đình ngày càng trở nên khan hiếm. Từ khi ông Hảo ra đi mọi gánh nặng đều đè lên vai bà Thu. Bà phải lo liệu tất cả, từ chuyện trang trải kinh tế đến việc chăm sóc lũ trẻ. Thời gian trôi qua sự vất vả dồn nén đã biến thành những cơn bực bội.
Không ít lần bà trút giận lên chị Ngọc, nhất là những khi chị vừa đi học về mệt mỏi rã rời. Ban đầu chỉ là những lời trách móc nhỏ nhặt, nhưng dần dà những cuộc cãi vã ngày một gay gắt kéo dài. Rồi từ những lời quở trách, bà Thu bắt đầu buông ra những câu nói đầy cay nghiệt.
Sự bất mãn của bà Thu không chỉ dừng lại ở ba chị em Hải. Giờ đây ngay cả người mẹ ruột yêu quý của Hải ở tận bên kia bờ Thái Bình Dương cũng trở thành đối tượng để bà nhục mạ. Những lời lẽ cay độc vang vọng trong không gian nhỏ bé của căn nhà đã xé nát những trái tim non trẻ.
Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng ấy chị Ngọc chỉ còn biết ôm chặt anh Tuấn và Hải vào lòng, nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má. Căn phòng tuy tối om nhưng nỗi đau thì sáng rõ. Cả ba chị em dù không ai nói ra cũng đều hiểu rằng số phận mình đang rẽ sang một hướng khác và chắc hẳn hướng đó đang mở ra một con đường đầy chông gai và gập ghềnh không lối thoát.
Mùa hè năm 1976, thay vì tập trung vào việc học, các trường lại tiếp tục thi đua đẩy mạnh chương trình 'Kế hoạch nhỏ' cùng nhiều công tác cưỡng bách lao động khác để lập công. Học sinh phải tham gia những hoạt động này để 'góp phần xây dựng đất nước.' Hải và bọn trẻ trong xóm cũng không ngoại lệ. Suốt cả năm họ đã bị huy động vào các công việc lao động ấy.
Một ngày cuối tháng Bảy khi Hải đang chơi đánh đáo trước sân khu cư xá, từ xa nó bỗng thấy một bóng người quen thuộc.
“Bố đấy à?”
Hải dụi mắt, không tin vào điều mình đang thấy. Nhưng người ấy đúng là bố chứ không ai khác!
Không kềm được xúc động, nó vọt chạy về phía ông Hảo, ôm chầm lấy ông. Ông đã gầy đi quá nhiều. Tuy vậy nhưng đôi mắt ông vẫn hiền từ như ngày nào.
Hải lao ngay xuống bếp báo tin cho bà Thu và mọi người trong nhà. Không ai có thể tin được rằng ông Hảo đã trở về sau hơn ba tháng trong trại cải tạo. Cả nhà vây quanh ông vừa vui mừng vừa xót xa khi nhìn thấy thân hình tiều tụy của ông.
Vài ngày sau ông Hảo phải trình diện ban giám đốc mới và được giao làm tổng công trình sư kiêm trưởng phòng kỹ thuật của hãng giấy. Bạn bè cũ đến thăm ông ai nấy đều mừng rỡ khi thấy ông vẫn bình an.
Những tưởng cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường. Nhưng thực tế hoàn cảnh đã mãi mãi thay đổi và không bao giờ quay về như trước được nữa.
Tình hình kinh tế và đời sống gia đình ngày càng kiệt quệ. Người người khắp nơi chật vật mưu sinh, cố gắng xoay sở trong thời cuộc khắc nghiệt.
Năm 1977 anh Tuấn vừa tròn 13 tuổi. Ngoài việc đến trường, anh còn phải phụ giúp gia đình bằng cách bán bánh chuối do bà Thu làm. Mỗi sáng sớm, anh cẩn thận xếp từng chiếc bánh vào thúng nhỏ, rồi len lỏi giữa dòng người đông đúc ở các bến xe buýt và ga xe lửa, hy vọng kiếm được vài đồng lẻ để phụ giúp gia đình.
Công việc ấy kéo dài được một tháng, cho đến một ngày anh Tuấn đột nhiên không trở về như mọi khi.
Trời dần tối nhưng vẫn không thấy bóng dáng anh đâu. Trong nhà, ai nấy bồn chồn, lo lắng như lửa đốt trong lòng.
Anh Tuấn đã gặp chuyện gì? Có ai bắt nạt anh không? Anh có bị kẻ xấu lừa gạt không?
Những câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm trí mọi người. Sự im lặng kéo dài khiến nỗi sợ hãi càng lúc càng dâng cao.
Sáng hôm sau, bà Thu dặn Hải đi tìm anh Tuấn ở các bến xe và nhà ga.
Lúc đó Hải chỉ mới 12 tuổi, chưa từng đặt chân đến những nơi như vậy. Nhưng lần này nó phải một mình đi tìm anh trai.
Những con đường xa lạ trải dài trước mắt, tiếng còi xe inh ỏi, những gương mặt hối hả lướt qua… Tất cả khiến Hải cảm thấy lạc lõng, nhỏ bé giữa lòng thành phố rộng lớn này.
Hải kiên trì lặn lội hết bến xe này đến bến xe khác, len lỏi qua đám đông hỗn loạn, dò tìm từng khuôn mặt, nhưng vẫn không thấy bóng dáng anh Tuấn. Mỗi lần hy vọng lóe lên thì lại nhanh chóng vụt tắt, để lại trong lòng Hải một cảm giác trống rỗng và lo lắng ngày càng dâng cao.
Mặt trời dần ngả bóng, nhuộm vàng những con phố hoang mang và mệt mỏi. Chỉ còn lại một nơi duy nhất mà Hải chưa tìm đến, ga Biên Hòa, và một tia hy vọng mong manh lóe lên trong suy nghĩ. Không chần chừ thêm nữa Hải quay người, bước nhanh về hướng nhà ga với lòng thấp thỏm vì không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.
Nhà ga Biên Hòa hiện ra rộng lớn nhưng hoang vắng lạ thường trước mắt Hải.
Chuyến tàu cuối đã rời ga từ lâu, bỏ lại khung cảnh đìu hiu với những toa xe cũ kỹ nằm lặng lẽ trong khu bảo trì.
Hải quá mệt sau một ngày dài, bèn leo lên một toa khách để nghỉ. Nhưng nỗi lo vẫn còn nặng trĩu trong lòng.
Anh Tuấn bây giờ đang ở đâu? Anh Tuấn có bị ai làm hại không?
Sau nửa giờ nghỉ ngơi, Hải tiếp tục tìm kiếm. Khi đến toa khách cuối cùng Hải bỗng nhìn thấy một cậu bé đang ngủ trên chiếc ghế gần buồng vệ sinh cùng chiếc nón rơm quen thuộc úp lên mặt.
Hải khựng lại một chút rồi tiến lại gần, tim đập mạnh khi nhận ra chiếc áo sơ mi có phù hiệu của trường Khiết Tâm.
Là anh Tuấn đây sao?
Mừng quá, Hải vội vàng lật chiếc nón rơm lên. Trước mắt Hải, anh Tuấn nằm thiếp đi có lẽ vì quá mệt. Khuôn mặt anh trông rất buồn. Nhưng điều khiến Hải hoảng hốt hơn cả là một vết bầm lớn đang hiện lên rất rõ trên gương mặt anh.
Chuyện gì đã xảy ra thế này?
Hải khẽ lay nhẹ anh, giọng run run:
"Anh Tuấn! Anh có sao không? Anh dậy đi, em là Hải đây!"
Thoạt đầu, anh chỉ hất tay Hải ra, giọng bực bội:
"Tôi không biết gì hết, để tôi ngủ đi mà..."
Giọng nói sao lạ lẫm thế này, Hải nghĩ.
Anh Tuấn của Hải thật hoạt bát vui vẻ ngày nào giờ lại trở nên mệt mỏi và tuyệt vọng đến thế hay sao?
Hải lay mạnh hơn. Lần này, anh Tuấn mở mắt, ánh nhìn lờ đờ, mệt mỏi.
Hải vội nói:
"Bố, bà Thu và mọi người lo cho anh cả đêm qua. Về đi anh. Cả nhà chỉ cần anh bình an thôi."
Anh Tuấn không nói gì, chỉ gật đầu, rồi cố gắng đứng dậy.
Hai anh em lặng lẽ nhảy xuống khỏi toa xe, đôi chân chạm đất giữa ánh chiều chạng vạng. Không ai nói một lời, chỉ cúi đầu lầm lũi bước đi mặc cho những âm thanh ồn ào của sân ga nhạt dần phía sau. Con đường về nhà dài và im ắng, chỉ còn tiếng bước chân chậm rãi hòa vào sự mệt mỏi đè nặng sau một ngày đầy biến động.
Ba cây số chưa bao giờ dài đến thế. Mỗi bước đi như kéo dài vô tận. Tuy đôi chân rã rời nhưng ý nghĩ được trở về nhà đã tiếp thêm cho anh em Tuấn, Hải chút sức lực để bước tiếp.
Cuối cùng, khi cánh cổng quen thuộc hiện ra, cả hai như trút được gánh nặng rồi bước vào nhà. Trong ánh mắt lo lắng của bố, bà Thu và mọi người, anh Tuấn cúi đầu giọng khàn đặc như thể mỗi chữ thốt ra đều nặng trĩu:
"Hôm qua, bọn bụi đời ở ga Biên Hòa ăn hết bánh của con. Khi con đòi tiền đã bị chúng đánh con nhừ tử. Không có một xu dính túi nên con không biết làm sao về, đành lang thang rồi ngủ gục trong toa tàu cũ... cho đến khi em Hải tìm thấy con."
Cả nhà sững sờ. Một khoảnh khắc im lặng kéo dài nặng nề như bóng tối vừa buông xuống. Bố đứng bất động, ánh mắt đanh lại nhưng không thốt nên lời. Bà Thu khẽ thở dài, một tiếng thở nặng trĩu lo âu.
Những ngày tháng mưu sinh khắc nghiệt giờ đây mới thực sự bắt đầu.
Có lẽ cuộc đổi tiền vừa rồi đã thắt chặt bao tử của tất cả mọi người. Không chỉ vậy, những mặt hàng thiết yếu như lúa, gạo, thịt, cá, rau quả, kể cả nhu yếu phẩm như đường, sữa, cũng dần biến mất khỏi các sạp hàng trong chợ. Ngay cả những thứ phục vụ cho việc nấu nướng như điện, than, dầu lửa cũng bị phân phối theo định mức của mỗi hộ khẩu, và mọi giao dịch chủ yếu diễn ra bằng tem phiếu. Các anh chị trong ủy ban nhân dân nói đây là cách vận hành của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu.
Mỗi khi có đợt phân phối nhu yếu phẩm, chất đốt, hay thịt thì mọi người phải thức dậy thật sớm để xếp hàng chờ đợi tại trung tâm phân phối. Đôi khi, họ chỉ phải chờ vài giờ, nhưng phần lớn là phải xếp hàng cả ngày mới nhận được phần của mình. Ban đầu ai cũng bực bội, phàn nàn về sự chậm chạp của nhân viên phân phối, nhưng dần dần khi đã hiểu ra sự chậm chạp này không phải do thiếu năng suất mà chính là cách vận hành quen thuộc của cửa hàng nên ai nấy đành cắn răng cam chịu.
Khi chiến tranh vừa kết thúc thì chính quyền mới liền phát động chương trình học tập cải tạo khiến nhiều bạn của Hải bị rơi vào cảnh vắng cha. Nhìn quanh, Hải thầm nghĩ, dù sao mình vẫn còn may mắn hơn lũ bạn.
Nhưng giờ đây nhà nước lại tiếp tục khai triển chương trình đi vùng kinh tế mới, buộc nhiều gia đình phải rời bỏ nơi chốn quen thuộc để ‘hưởng ứng’ chính sách này.
Chiều nay lại có thêm vài vị khách không mời từ ủy ban nhân dân phường đến nhà Hải để bàn về lệnh dọn đi vùng kinh tế mới của họ với bố. Họ đưa ra hai lựa chọn: hoặc chuyển đến khu kinh tế mới Bù Gia Mập, hoặc phải hồi hương về quê bà Thu ở xã Long Hậu, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc, và câu trả lời dường như đã quá rõ ràng. Sa Đéc sẽ là điểm đến tiếp theo của gia đình Hải. Chỉ có bố phải ở lại để tiếp tục hỗ trợ ban giám đốc mới vận hành hãng giấy. Còn lại tất cả đều phải đi hồi hương.
Bố và bà Thu đã gom góp tất cả khả năng tài chính để mua một chiếc máy xới hiệu Yanmar F10 do hãng Vikino sản xuất tại Tam Hiệp, khu công nghiệp Biên Hòa. Bên cạnh đó, bố cũng xoay xở thuê được một chiếc xe tải lớn để chở cả gia đình về quê bà Thu.
Thế là cuộc hồi hương bắt đầu vào một ngày trong tuần cuối của tháng Tám năm 1977. Từ Biên Hòa, chiếc xe vận tải chở gia đình Hải lên Sài Gòn, đi qua Phú Lâm, đến ngã ba An Lạc, rồi thẳng tiến theo Quốc lộ 4. Xe chạy qua cầu Bến Lức, đến Tân An, rồi Long An, trước khi tấp vào ngã ba Trung Lương để mọi người nghỉ ngơi và ăn uống.
Sau đó, hành trình tiếp tục từ ngã ba Trung Lương xuống Cái Bè qua Cai Lậy rồi thẳng đến Bắc Mỹ Thuận. Tại đây, trừ tài xế ra, mọi người phải xuống xe và đi bộ lên phà để qua sông.
Khi sang đến bờ bên kia Tiền Giang, mọi người lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Chiếc xe chạy thẳng đến một ngã ba. Ở điểm này, rẽ trái sẽ đi Vĩnh Long và rẽ phải sẽ về Sa Đéc. Bác tài xế đã bật đèn hiệu cho xe quẹo phải hướng về Sa Đéc.
Dọc đường, bị cuốn hút bởi sự tò mò nhất thời, Hải chăm chú quan sát những địa danh lạ lẫm lướt qua trước mắt. Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, rồi Nha Mân, Sa Đéc, những cái tên nghe vừa xa lạ vừa thân thuộc như mang theo hơi thở của miền Tây sông nước.
Đoàn xe tiếp tục lăn bánh, nhưng khi đến gần Hòa Long con đường bỗng trở nên gập ghềnh, lởm chởm những ổ gà lớn nhỏ. Chiếc xe tải chao đảo, lắc lư theo từng cú sốc, buộc tài xế phải giảm tốc độ, nhích từng chút một để tránh bị sa lầy. Những cú xóc liên tục khiến ai nấy trên xe cũng phải vịn chặt vào dây treo để không bị hất văng.
Phải rất vất vả cả đoàn mới vượt qua được đoạn đường gian nan ấy để đến Hòa Long và tiếp tục xuôi về ngã ba Rẽ Quạt. Đến đây, tài xế cẩn thận giữ tay lái nghiêng về bên trái, đưa đoàn xe men theo con đường dẫn về Lai Vung, nơi điểm đến vẫn còn xa mà hành trình phía trước thì chưa biết sẽ còn những trở ngại nào đang chờ đợi.
Đến đây trời bất ngờ đổ cơn mưa tầm tã. Cũng may con đường này còn khá êm, nếu không cả đoàn chắc hẳn đã phải khốn đốn thêm một phen.
Quê của bà Thu nằm ở xã Long Hậu, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Tuy nhiên vào thời điểm này chính quyền mới đã đổi tên quận là Lấp Vò và tỉnh là Đồng Tháp.
Chiếc xe tải tiếp tục lăn bánh vượt qua cầu Thong Dong rồi đi thêm một đoạn trên con đường dẫn tới Phụ Thành - Lai Vung. Đến đây bác tài xế cho xe tấp vào lề đường. Tại điểm dừng này toàn bộ hành lý mang theo từ Biên Hòa, bao gồm cả chiếc máy xới, đã được chuyển từ xe tải vào một căn trại lớn nằm sâu trong ruộng, nơi đã được dựng sẵn cho bà Thu.
Tối hôm đó, khi mọi thứ đã sắp xếp ổn thỏa, cả nhà quây quần bên chiếc bàn gỗ thô sơ dưới ánh đèn măng xông rực rỡ. Không khí dịu lại sau một ngày dài vất vả, chỉ còn những gương mặt hân hoan xen lẫn chút mệt mỏi.
Các anh, các chú cùng nâng chén rượu đế cay nồng, rôm rả chuyện trò, trong khi đĩa gỏi gà thơm lừng được chuyền tay nhau, món ăn tuy đơn giản nhưng đậm đà, mang theo dư vị của ngày về.
Trong men rượu và niềm vui sum họp, mọi người lần lượt bày tỏ lòng biết ơn với bác tài xế, người đã không quản ngại đường xa, vất vả đưa gia đình bà Thu về đến quê nhà an toàn. Những cái bắt tay siết chặt, những lời cảm ơn chân thành vang lên giữa đêm tĩnh mịch, như để khép lại một chặng đường đầy gian nan, đồng thời mở ra một chương mới trên chính mảnh đất quê hương bà Thu.
Sau bữa cơm thân tình, bác tài xế nán lại nghỉ ngơi để dưỡng sức cho hành trình trở về Biên Hòa vào ngày mai. Ngoài sân, bóng đêm đã ôm trọn lấy những mái nhà lợp lá, chỉ còn tiếng côn trùng râm ran trong hơi thở của đất trời yên bình.
Trong căn trại lớn này ba chị em Hải cũng đã chìm vào giấc ngủ trên những chiếc giường tre mộc mạc. Sau một ngày dài phiêu lưu, giờ đây, hơi ấm của quê hương và sự bình yên của mái nhà đã ru họ vào những giấc mơ dịu êm, nơi không còn nỗi lo toan hay những bước chân vội vã trên những chuyến xe xuôi ngược nữa.
Ba chị em Hải nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dân cư vùng Thong Dong – Phụ Thành đến nỗi họ còn đặt biệt danh cho ba đứa là "đầu gà đít vịt", một cái tên nửa đùa nửa thật, bởi theo họ dáng vẻ của ba chị em trông rất "ngộ" theo cách nhìn của dân làng.
Cuộc sống mới dần đi vào quỹ đạo khi ba chị em ghi danh nhập học cho niên khóa 1978 ở hai ngôi trường khác nhau. Chị Ngọc học tại trường phổ thông cấp 3 Lai Vung ở tận ngã ba Rẽ Quạt, trong khi anh Tuấn và Hải theo học tại trường phổ thông cấp 2 Phước Thành trong thị trấn Lai Vung.
Nhưng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Không biết anh Tuấn có gặp chuyện tương tự hay không, nhưng với riêng Hải, con đường đến trường chẳng hề dễ dàng. Mỗi khi đi ngang qua những xóm nhỏ ven đường, Hải luôn trở thành mục tiêu trêu chọc của các nhóm trẻ cùng trang lứa.
Bọn chúng chặn đường, nghênh đón Hải bằng giọng điệu chế giễu, vừa hát vừa cười khúc khích:
Mỹ lai mười hai lỗ đít,
Bịt lỗ này nó xì lỗ kia... Ha ha ha!!!
Chúng không chỉ dừng lại ở lời nói. Những trái xoài thối liên tục ném về phía Hải mỗi khi Hải quay người bỏ đi. Nhiều lần những đứa lớn hơn còn xông vào, đạp mạnh vào lưng, khiến Hải ngã nhào xuống con đường đất lầy lội. Trong khi cậu còn loay hoay gượng dậy, bọn chúng đã cười phá lên đầy khoái trá, như thể sự đau đớn và nhục nhã của Hải là một trò tiêu khiển không hồi kết.
Hải cắn chặt môi, không dám khóc. Nó không muốn tỏ ra yếu đuối, nhưng tận sâu trong lòng, nó không khỏi tự hỏi:
"Liệu nơi này có bao giờ thật sự trở thành nhà của mình hay không?"
Những tháng sau đó, việc học của Hải và anh Tuấn bị gián đoạn vì công việc đồng áng. Ông ngoại, bố của bà Thu, đã thương lượng với bà để hai anh em nghỉ học ở nhà làm ruộng khi cần. Chỉ có chị Ngọc là được tiếp tục đi học mà không bị ép buộc.
Thế nhưng không lâu sau bà Thu cũng ra lệnh cho chị Ngọc nghỉ học để ra đồng. Quá chán nản, chị quyết định bỏ về Sài Gòn để tìm bố. May mắn thay chị đã được ở lại với bố và tiếp tục việc học.
Riêng anh Tuấn vì không thể chịu đựng nổi sự hà khắc của ông ngoại và những trận đòn nhừ tử mà ông ta trút xuống nên đã bỏ đi biệt tích, chẳng ai biết anh lưu lạc về đâu.
Hải cũng không ít lần liều lĩnh lớn tiếng phản kháng chỉ trích ông và mắng ông là một võ sư nổi tiếng lại đi đàn áp những đứa trẻ mồ côi mẹ. Nhưng sự phản kháng ấy chỉ khiến Hải nhận thêm những trận đòn không kém gì anh Tuấn.
Chẳng bao lâu sau, Hải cũng theo gương anh Tuấn, trốn khỏi trang trại của bà Thu để tìm kiếm tự do cho riêng mình. Ở tuổi 13, lại là một đứa trẻ lai Mỹ, Hải không thể tránh khỏi ánh mắt tò mò và những lời bàn tán ở bất cứ nơi nào nó đi qua.
"Sài Gòn... Phải về Sài Gòn. Sài Gòn là đất dụng võ. Bằng mọi giá, phải quay lại Sài Gòn."
Hải không thể ngăn dòng suy nghĩ ấy. Nó cứ ám ảnh rồi len lỏi vào từng khoảnh khắc để thôi thúc Hải phải hành động. Không chần chừ nữa, Hải bèn tìm mọi cách để biến điều đó thành hiện thực.
Hành trình bắt đầu bằng những bước chân trần trên con đường dài từ Thong Dong đến Hòa Long. Từ đó, Hải len lỏi lên những chuyến xe hàng của công ty vận tải liên tỉnh 'Chuyên Dùng', bám theo từng chặng đường trên Quốc lộ 4 ngược xuôi từ Sa Đéc đến Cai Lậy.
Trên đường đi Hải đã sống nhờ vào những gì có thể xin được, những phần cơm thừa từ các quán ăn ven đường, những mẩu bánh vội vã từ tay người qua kẻ lại. Nhưng xin ăn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có lúc Hải đã nhận những cái nhìn thương hại và có lúc chỉ là những cái xua tay lạnh nhạt.
Để có chút tiền lộ phí, Hải đã làm công cho gia đình ông Tám Trực, chủ nhân của một nhà máy xay lúa thật tử tế ở Cai Lậy. Những ngày làm lụng vất vả ở một nơi xa lạ cũng chẳng làm Hải chùn bước, chỉ cần nó tiến gần hơn một chút đến Sài Gòn, mọi hy sinh đều đáng giá.
Tròn một tháng kể từ ngày rời trại bà Thu, Hải cuối cùng cũng đặt chân đến được ngã ba An Lạc, cánh cửa dẫn vào Sài Gòn. Trái tim nó đập mạnh. Thành phố trước mặt vẫn như cũ, nhưng liệu những gì nó từng biết có còn nguyên vẹn?
Trong túi Hải có 150 đồng, số tiền mà ông Tám Trực đã cho để làm lộ phí. Hải hoàn toàn có thể gọi một chiếc xích lô về nhà bà nội, nhưng nó không làm thế. Không phải vì tiếc tiền, mà vì nó không biết phải đi về đâu sau một tháng lưu linh, lưu địa.
Anh Tuấn giờ đang ở đâu? Không ai biết.
Còn các em Liễu, Thái và Út, chúng đã có chỗ của mình, yên phận nơi quê ngoại, tiếp tục hòa nhập vào cuộc sống mới dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Chỉ còn Hải, đứng giữa dòng xe cộ hối hả, lạc lõng ngay trong chính thành phố mà nó từng gọi là nhà bên nội.
Nghe nói chị Ngọc đã được nhập hộ khẩu theo bố ở Sài Gòn và hiện đang học năm cuối tại trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Chị chỉ về Sài Gòn vào cuối tuần.
Để có được điều đó, bố đã vất vả lắm, hết lời cầu xin ban quản lý hãng giấy để chị Ngọc được yên ổn tiếp tục việc học.
Hải thở dài.
Về nhà ư? Nhưng rồi sao?
Hải không muốn bị bó buộc nữa. Thôi thì cứ lang bạt một thời gian đã rồi hãy tính.
Ý nghĩ ấy lớn dần trong đầu, rồi biến thành quyết tâm. Hải sẽ không trở về với bố và chị Ngọc. Nó không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nữa. Nó đã lớn rồi.
Ánh nắng tháng Chín đổ xuống mặt đường từ Xa Cảng Miền Tây nối đến Phú Lâm, hắt lên những tia nhiệt nhấp nhô như những đợt sóng vô hình. Mặt đường chói lóa trong hơi nóng hừng hực, mỗi bước chân dẫm xuống như thể bị lửa thiêu đốt thật nóng rát.
Thôi thì cứ đi.
Hải cắn răng chịu đựng và tiếp tục lê bước từ Xa Cảng Miền Tây về chợ cá Trần Quốc Toản rồi rẽ vào góc đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Tri Phương.
Không biết điểm đến là đâu, chỉ biết rằng mỗi bước đi xa hơn là một lần cắt đứt sợi dây ràng buộc Hải và quá khứ.
Ngang qua trường trung học Đồng Tiến gần chợ cá, Hải chợt nhớ lại những ngày hè vô tư khi còn được về Sài Gòn thăm bà nội năm nào. Hải đã được chơi đá banh với các anh họ tại trường Đồng Tiến này. Nhưng tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Giờ đây Hải đã lăn lộn ngoài đời hơn một tháng rồi còn gì. Mới 13 tuổi Hải đã va chạm với bao hạng người, đã nếm trải những bài học khắc nghiệt, và từng ăn đòn đến ốm người dưới tay ông ngoại ghẻ vì làm việc chậm chạp ngoài ruộng.
'Thôi, kệ đi mà. Thịt da này dành cho thù hận.' Hải tự nhủ, rồi tiếp tục bước đi.
Rời chợ cá, Hải men theo đường Trần Quốc Toản định hướng về ngã bảy qua đường Pétrus Ký nhưng rồi đổi ý tiếp tục theo đường Trần Quốc Toản. Hải đi ngang qua Viện Hóa Đạo rồi Việt Nam Quốc Tự, và chẳng bao lâu đã đến ngã sáu Lê Văn Duyệt.
Tại đây Hải nhìn thấy một đoàn tàu hỏa đang từ phía ga Sài Gòn tiến vào ga Hòa Hưng. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu Hải, xe lửa. Loại phương tiện này giờ đây đã nối liền hai miền Nam - Bắc. Mình cứ phóng lên nó, rồi mặc kệ số phận đưa đẩy đến đâu cũng được. Đã cùi rồi còn sợ gì lở!
Nghĩ thế, Hải men theo đường rầy dẫn vào ga Hòa Hưng và thấy đoàn tàu vẫn còn đậu tại sân ga. Hải tiến lại gần rồi hỏi một chị bán thuốc lá dạo và được biết rằng đoàn tàu này sẽ đi Nha Trang, nhưng phải chờ tránh đoàn tàu Biên Hòa - Sài Gòn đang sắp sửa về ngang qua ga Hòa Hưng.
Ngồi dưới sân ga Hòa Hưng khoảng mười phút thì Hải thấy đoàn tàu Biên Hòa – Sài Gòn xuất hiện từ phía đối diện. Nó đang lao tới với vẻ uy nghiêm đầy thách thức với thiên nhiên và mọi vật thể chung quanh nó. Các nhân viên hỏa xa cẩn thận điều khiển đoàn tàu sang nhóm đường rầy kế bên, cho nó lướt thẳng về ga Sài Gòn, một khung cảnh thật ngoạn mục.
Đây là lần đầu tiên Hải được chứng kiến cảnh tượng này và nó càng thổi bùng trong Hải khát vọng phiêu lưu, thúc giục bước chân của một kẻ tang bồng hồ thỉ.
Khoảng mười phút sau khi tránh đoàn tàu Biên Hòa – Sài Gòn, tàu Nha Trang bắt đầu khởi hành. Nhân viên hỏa xa hướng dẫn hành khách lên tàu rồi trao đổi những tràng tu huýt tín hiệu báo cáo tình trạng sẵn sàng của đoàn tàu trước hành trình tiếp theo.
Hải cẩn thận hòa vào nhóm con buôn rồi lẻn lên một toa hàng hóa để tìm chỗ an toàn. Bỗng một hồi còi dài rít lên từ đầu máy phía trước, theo sau là tiếng xả hơi đồng loạt và một cú giật nhẹ. Thế là đoàn tàu bắt đầu lăn bánh rời khỏi sân ga Hòa Hưng, hướng về những chặng đường phía trước.
Các trạm kế tiếp sẽ là Gò Vấp, Bình Triệu, Thủ Đức, Dĩ An, Biên Hòa, Trảng Bom, Xuân Lộc, Bảo Chánh, Gia Rây, Suối Kiết, Sông Phan, Mương Mán, Ma Lâm, Sông Lũy, Sông Mao, Cà Ná, Tháp Chàm, Ngã Ba, Suối Cát, và cuối cùng là Nha Trang. Ở một số nhà ga nhỏ, tàu chỉ lướt chậm qua mà không dừng hẳn. Những lúc như vậy, vài người nhảy xuống với hàng hóa của họ, trong khi một số khác nhanh chóng phóng lên.
Muốn thử cảm giác ấy, Hải cũng tập nhảy xuống rồi lại phóng lên theo phong cách dân nhảy tàu. Lúc đầu, Hải còn vụng về, chân tay luống cuống. Nhưng càng thử nhiều động tác càng thuần thục. Khi đến ga Suối Cát Hải đã hoàn chỉnh cả hai tư thế nhảy tàu và leo tàu, và Hải nhận ra mình thật sự thích những pha mạo hiểm này.
Cuộc hành trình từ Sài Gòn đến Nha Trang kéo dài suốt ba ngày. Hải hãnh diện vì suốt chặng đường này nó chỉ tiêu vỏn vẹn 7 đồng từ số tiền 150 đồng mang theo.
Hôm nay trước khi tàu vào ga Nha Trang Hải đã nhảy xuống ở đoạn đầu ghi (guide) cách ga khoảng hai trăm thước. Từ đó nó lần mò tìm đường ra chợ Đầm rồi dừng chân bên một quán ven đường, gọi một ly trà đá, vừa nhấp từng ngụm mát lạnh vừa quan sát phố phường.
Rạp chiếu phim Tân Quang Trước mặt Hải đang quảng cáo bộ phim Ván Bài Lật Ngửa với diễn viên Nguyễn Chánh Tín thủ vai chính. Hứng thú dâng lên, Hải quyết định mua một vé tự thưởng cho mình một buổi xem phim sau chặng đường dài đầy phiêu lưu.
Xem phim xong, Hải lang thang quanh khu chợ Đầm để làm quen với địa hình nơi này. Sau một lúc, Hải dừng lại hỏi thăm một chú đạp xích lô về đường ra bãi biển.
Chú mỉm cười, chỉ dẫn: 'Từ đây, cháu đi thẳng đến ngã tư Duy Tân - Lê Lợi, quẹo phải hay trái vào Duy Tân cũng được, bãi biển nằm dọc theo đường Duy Tân đó cháu nhóc.'
Hải cảm ơn chú, rồi men theo con đường được chỉ dẫn. Đi bộ được một lúc thì trước mắt Hải đã hiện ra một khung cảnh tuyệt đẹp, bãi biển Nha Trang mênh mông trải dài.
Ôi, cảnh vật sao đẹp quá! Bãi cát trắng mịn như nhung, những con sóng vỗ vào bờ kéo theo làn gió mát rượi. Tất cả như ôm lấy tâm hồn Hải và đưa thằng bé vào một miền hạnh phúc mơ hồ.
Hải ngồi xuống bãi cát, khẽ nhắm mắt lại để tự dối lòng rằng mình đang tự do, một thứ tự do vô định nhưng đầy mê hoặc như thể nó đang sống trong niềm hạnh phúc bất tận.
Đang thả hồn theo những làn gió biển mát rượi, bỗng một trang giấy từ đâu bay đến, dính chặt vào mặt Hải. Hải giật mình trở về thực tại, nhẹ nhàng gỡ tờ giấy xuống.
Tò mò, Hải nhìn vào đó và thấy duy nhất một dòng chữ viết bằng tiếng Anh:
'Why did you leave us behind, Tom?'
Những con chữ như vừa mới được viết, nét mực vẫn còn tươi, có lẽ chủ nhân của nó vẫn còn quanh đây. Hải chưa kịp suy nghĩ gì thêm thì một người phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi bước tới, nhẹ nhàng lên tiếng:
'Em cho chị xin lại tờ giấy nghen. Cảm ơn em đã chụp nó lại giúp chị.'
Hải kính cẩn trao lại trang giấy, nhưng khi chị chìa tay đón lấy, Hải bất giác đáp lại bằng tiếng Anh:
"I am sorry about your situation, sister."
Người phụ nữ thoáng ngạc nhiên, nhìn Hải một lúc rồi hỏi:
'Em hiểu dòng chữ này sao?'
Hải khẽ gật đầu, không giấu giếm mà kể cho chị nghe về gia cảnh của mình. Hải nói rằng bố là người Việt, mẹ là người Mỹ, nhưng bà rất giỏi tiếng Việt. Trong suốt thời chiến, mẹ đã dạy ba chị em Hải tiếng Anh, cả đọc, viết và đàm thoại. Nhờ vậy, câu chữ trên trang giấy này chẳng có gì quá khó với Hải.
Người phụ nữ tự giới thiệu tên mình là Quý và hỏi thêm về quê quán của Hải, rồi chẳng mấy chốc nhận ra cậu bé này đang sống bụi đời. Động lòng trắc ẩn, chị nhẹ giọng nhắc nhở:
'Hải ơi, em cứ lang thang thế này, coi chừng có ngày bị bọn dân phòng bắt vào phường đó.'
Hải mỉm cười, bình thản đáp:
'Thì em cứ trốn trong nhà lồng chợ ban đêm, rồi lẩn tránh họ thôi. Hên xui mà, chị...'
Người phụ nữ khẽ thở dài, ánh mắt thoáng chút lo lắng, rồi dặn dò:
'Thôi, em đi đâu tùy ý. Nhưng nếu cần chỗ ngủ qua đêm thì cứ nói với chị. Chị có cái quán nhỏ bán nước giải khát và bia hơi ở đằng kia kìa. Em có thể ngủ trong đó ban đêm rồi coi quán giùm chị luôn. Thằng Huy của chị cũng sợ ma lắm. Có em thì nó sẽ đỡ sợ vậy mà.'
Người phụ nữ vừa nói vừa chỉ tay về phía một quán nhỏ lụp xụp ven đường Duy Tân, ngay bên phải chỗ Hải đang ngồi, tên là ‘Cà Phê Hồn Hoang.’ Trước khi quay đi, chị nở một nụ cười nhẹ, giọng nói pha chút hy vọng:
"Will I see you again someday, kid?"
Hải khẽ đáp, giọng vẫn mang chút ngờ vực, như thể chính nó cũng không chắc về ngày mai của mình:
"Maybe, sister... maybe."
Người phụ nữ chậm rãi bước về quán của chị, để lại Hải một mình với khoảng trời bao la trước mặt. Nhưng cảnh giới tự do thần tiên mà cậu vừa đắm chìm vài phút trước đây đã không còn quay lại nữa. Giờ đây, cơn đói bắt đầu cồn cào trong bao tử gã bụi đời mới vào nghề.
Hải thở dài, đứng dậy, phủi lớp cát bám trên quần áo rồi lặng lẽ rời bãi biển.
"Chợ Đầm ơi, ta xin gặp mi thật sớm nhé." – Hải lẩm bẩm, rồi bước đi, theo tiếng gọi của bao tử mình.
Sau vài tuần lăn lộn ở chợ Đầm, Hải bắt đầu lọt vào tầm ngắm của vài khứa có máu mặt ở đây. Chúng nhanh chóng nhận ra Hải không phải dân bản xứ.
Sáng hôm đó, khi Hải vẫn còn ngái ngủ, một thằng bỗng lao nhanh đến chỗ Hải, giả vờ vấp chân rồi ngã sóng soài xuống đất. Hải giật mình chưa kịp phản ứng thì nó đã nổi dóa lao vào đấm túi bụi. Những cú đấm liên tiếp khiến Hải thấy trăng sao quay cuồng rồi ngã chúi nhủi xuống sàn chợ.
Cũng may, một anh bán bánh mì tốt bụng kịp can ngăn, nếu không Hải chắc đã no đòn. Anh kéo Hải ra một góc, hạ giọng dặn dò:
'Thằng này là em của một thằng làm trong tổ dân phố khu này. Nó đang kiếm chuyện với em đó. Hay nhất là em rời khỏi chợ Đầm càng sớm càng tốt.'
Hải gật đầu, lễ phép cảm ơn anh xe bánh mì rồi nhanh chóng rời chợ Đầm, đi thẳng về phía nhà ga Nha Trang.
Tại đây Hải nhìn bảng lịch trình và thấy hôm nay chỉ có hai chuyến tàu: một đi Diêu Trì, một đi Hà Nội.
Không cần suy nghĩ lâu, Hải quyết định lên chuyến tàu đi Diêu Trì, khởi hành lúc 10 giờ 15 sáng.
Chuyến đi mới lại bắt đầu...
Create Your Own Website With Webador